Ứng dụng dịch vụ điện tử trong nước: Khi “rùa” bắt đầu… chạy

Hơn 20 năm trước, Singapore – một đất nước rất gần Việt Nam – đã triển khai hệ thống một cửa quốc gia (TradeNet) áp dụng cho các doanh nghiệp làm thủ tục cấp phép, xuất nhập khẩu… trên nền tảng ứng dụng CNTT. Tại nước ta, dù tụt hậu khá xa, những dịch vụ điện tử như Thuế, Hải quan điện tử hay Chữ ký số cũng đang bắt đầu “lăn bánh”.

Ngành Thuế đang rất quyết tâm trong việc “điện tử hóa” dịch vụ của ngành

Lợi ích dịch vụ điện tử: Từ Singapore đến Việt Nam

Năm 1989, hệ thống một cửa quốc gia của Singapore (TradeNet) được bắt đầu vận hành và tính đến nay đã trải qua 8 lần nâng cấp. Hệ thống này liên kết 35 cơ quan chính phủ trong việc xử lý các hồ sơ liên quan đến thương mại, như cấp giấy phép xuất nhập khẩu, chứng nhận xuất xứ và thông quan hàng hóa…

Hiện tại, tất cả các chứng từ thương mại tại Singapore đều được giao dịch thông qua TradeNet. Trong đó, số lượng hồ sơ theo ngày lên tới 30.000 – 40.000 hồ sơ, tương đương 9 triệu giao dịch/năm. Số lượng các doanh nghiệp tham gia TradeNet đạt 2.500 với trên 8.000 người sử dụng. Lợi ích của mà hệ thống TradeNet mang lại cũng rất rõ nét khi thời gian cấp phép cho doanh nghiệp giảm từ 2 – 4 ngày xuống chỉ còn dưới 10 phút, chi phí xử lý hồ sơ được giảm 20%.

Ở nước ta, những lợi ích to lớn mà việc ứng dụng CNTT trong quản lý ngành Thuế và Hải quan có thể mang lại đã khiến các cơ quan chức năng không thể tiếp tục “ngoảnh mặt”. Đơn cử, từ năm 2009, kê khai thuế qua mạng đã bắt đầu được thực hiện. Trong năm đầu tiên, cả nước chỉ có 1.500 doanh nghiệp triển khai. Nhưng tới năm 2010, số lượng doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng đã mau chóng tăng lên 9.000, năm 2011 là 80.000 và cả năm 2012, con số này đạt 220.000.

Hay như trong Hội nghị sơ kết công tác triển khai thủ tục Hải quan điện tử tổ chức vào ngày 11/3 vừa qua, theo báo cáo của Ban cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan, cả nước hiện có 34/34 Cục Hải quan địa phương với 125 chi cục thực hiện, trong đó có 17 Cục áp dụng tại 100% chi cục. Nhờ đó, số doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ Hải quan điện tử lên tới 28.948, chiếm 92,88% số doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động XNK trên phạm vi cả nước.

Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng các dịch vụ điện tử như Thuế, Hải quan điện tử của các doanh nghiệp trong nước là rất lớn. Bà Nguyễn Vũ Tuyết Mai, Giám đốc Công ty TNHH Nghiên Cứu & Phát Triển Công Nghệ Thái Dương, đơn vị đang sử dụng dịch vụ Thuế điện tử, chia sẻ: “Dịch vụ này tiết kiệm cho không chỉ riêng doanh nghiệp, mà còn cho đất nước nói chung một nguồn ngân sách lớn. Mặc dù mới sử dụng nhưng tôi đã nhận thấy được nhiều ưu điểm của dịch vụ như tiết kiệm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí giấy mực, không rầy rà thủ tục, sử dụng đơn giản…”.

Các nhà cung cấp dịch vụ: Cần “chất”, hơn “lượng”

Mặc dù thị trường dịch vụ điện tử như Thuế, Hải quan điện tử đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhưng một số doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ vẫn e ngại tình trạng nghẽn mạng trong những “giờ cao điểm” hay khả năng tư vấn hạn chế về chuyên môn ngành của đội ngũ nhân viên tổng đài.

Để thay đổi điều này, bên cạnh việc cơ quan nhà nước tiếp tục hiện đại hóa “cơ sở hạ tầng”, nâng cao chất lượng đường truyền, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi, họ chính là cây cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, vừa cung cấp phần mềm, vừa trực tiếp tư vấn chuyên môn.

Ông Dương Dũng Triều, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT khẳng định: “Thị trường dịch vụ điện tử tại nước ta còn mới, nhiều doanh nghiệp chưa quen với việc khai thuế qua mạng hay thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bằng hệ thống điện tử. Do vậy, các đơn vị cung cấp dịch vụ không chỉ đơn thuần tập trung phát triển phần mềm đạt chất lượng tốt, ổn định, mà còn phải thực sự am hiểu chuyên môn của ngành như Thuế, Hải quan… để tư vấn cho khách hàng trong quá trình sử dụng”.

Hiện, ngoài FPT, thị trường dịch vụ điện tử như Chữ Ký số, Thuế và Hải quan điện tử còn phải kể đến các nhà cung cấp khác như TS 24, Viettel, BKAV, VNPT… Với số lượng lên tới hàng trăm nghìn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, rõ ràng, năng lực cung cấp dịch vụ của nhà cung cấp là vấn đề cần phải đặt lên hàng đầu, thay vì số lượng.

Ngoài ra, bảo mật cũng là yếu tố được nhiều doanh nghiệp quan tâm do liên quan đến việc trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và nhà nước, hay khả năng xác thực danh tính của khách hàng trong quá trình giao dịch…

Theo Tổng cục Thuế dự báo, chỉ tính riêng dịch vụ kê khai thuế điện tử, đến năm 2013 sẽ có khoảng 250.000 doanhnghiệp sử dụng dịch vụ và đến 2015 là 80% doanh nghiệp sẽ thực hiện kê khai thuế qua hệ thống điện tử.Như vậy, có thể thấy, tiềm năng của thị trường dịch vụ điện tử ở nước ta là rất sáng sủa. Điều quan trọng là các đơn vị cung cấp phải luôn ý thức việc nâng cấp thường xuyên chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng “tham bát bỏ mâm” khiến doanh nghiệp từ ủng hộ chuyển sang quay lưng với loại hình dịch vụ nhiều tiện ích này.

Theo NSS

Bình luận